Các diễn giả tham gia Hội thảo
TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Hội thảo
Luật sư Nguyễn Trung Nam, Luật sư sáng lập Công ty Luật EPLegal, Trọng tài viên VIAC, Phó Giám đốc VMC chia sẻ tại Hội thảo
Tại phiên thảo luận với chủ đề về "Bức tranh hòa giải thương mại tại Việt Nam và kinh nghiệm thực tiễn", LS. Nguyễn Trung Nam, luật sư sáng lập Công ty Luật EPLegal, Trọng tài viên VIAC, Phó Giám đốc VMC chia sẻ về thực tiễn các vụ hoà giải tại VMC. Theo đó, trong 5 năm hoạt động kể từ khi thành lập năm 2018, VMC đã tiếp nhận 36 vụ tranh chấp với trị giá tranh chấp lên đến 1.500 tỷ đồng trên rất nhiều lĩnh vực đa dạng như: xây dựng, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, sở hữu trí tuệ, bất động sản, v.v. các tranh chấp xây dựng chiếm trị giá lớn nhất. Đáng chú ý, tỷ lệ các bên hòa giải thành với sự trợ giúp của hòa giải và tự nguyện thi hành là 91%, một tỷ lệ rất lạc quan đối với các doanh nghiệp.
LS. Tat Lim, Luật sư điều hành Công ty Luật Aequitas, Hòa giải viên VMC chia sẻ tại hội thảo
Từ góc nhìn của một luật sư nước ngoài, ông Tat Lim, Luật sư điều hành Công ty Luật Aequitas, Hòa giải viên VMC đã có phần trình bày về tác động của việc gia nhập Công ước Singapore đối với quốc tế và dự kiến tác động đối với Việt Nam. Trong bối cảnh khung pháp luật và thực tiễn hoạt động hòa giải thương mại và trong bối cảnh Việt Nam hôi nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế mang lại những lợi ích kinh tế, thương mại to lớn, việc gia nhập Công ước Singapore về hòa giải sẽ mạng lại những tác động tích cực và vị thế lớn cho hoạt động hòa giải thương mại tại Việt Nam, đồng thời sẽ có những khó khăn thách thức nhất định nếu Việt Nam trở thành thành viên của Công ước này.
PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng, Tổng thư ký, Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC) phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ về hoạt động đào tạo nhân lực hòa giải viên cho hoạt động hòa giải thương mại hiện nay, PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng, Tổng thư ký, Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC) cho biết, hoạt động đào tạo hòa giải thương mại đã có nhiều thuận lợi nhờ sự chủ động của một số trung tâm hòa giải trong tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tọa đàm, hội thảo về hòa giải thương mại. Các giảng viên của chương trình đào tạo, bồi dưỡng về hòa giải thương mại là các chuyên gia uy tín và được đào tạo chuyên nghiệp về hòa giải (CEDR chứng nhận).
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn như: sự quan tâm, đăng ký học của học viên chưa được như kỳ vọng (về số lượng, chất lượng học viên); giảng viên đa phần là kiêm nhiệm, là hòa giải viên, là luật sư..., nên thời gian dành cho việc đào tạo, sự đồng đều về kỹ năng sư phạm... cần được cải tiến. Bà Hằng đề xuất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Tư pháp về xây dựng giáo trình, mời chuyên gia nước ngoài để nâng cao năng lực cho các hòa giải viên của trung tâm hoà giải, cũng như chất lượng chương trình đào tạo của các trường đại học.
Phiên thảo luận về Triển vọng của hòa giải thương mại Việt Nam - Một lựa chọn, đa lợi ích
Phiên 2 “Triển vọng của hòa giải thương mại Việt Nam - Một lựa chọn, đa lợi ích” của hội thảo được điều phối bởi ông Phan Trọng Đạt, quyền giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam VMC thuộc VIAC, cùng với sự tham gia của các diễn giả: Bà Nguyễn Thị Duyên, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VECAS); Ông Dương Quốc Thành, Luật sư điều hành Công ty luật ALV LAWYER; Bà Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Luật sư điều hành Công ty Luật LNT & Partners; Ông Chong Yee Leong, Luật sư thành viên Công ty Luật Allen & Gledhill; Bà Nguyễn Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng, Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp.
Tại phiên thảo luận thứ hai của hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ ý kiến, quan điểm về phương thức hòa giải thương mại từ đa góc nhìn như đại diện cơ quan nhà nước, đại diện các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nói riêng, luật sư trong nước và quốc tế. Theo đánh giá của các chuyên gia, hòa giải thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp vô cùng hữu hiệu. Khi có tranh chấp xảy ra, các bên luôn mong muốn tìm được phương thức giải quyết tranh chấp sao cho họ vẫn giữ được mối quan hệ đối tác và hòa giải thương mại đáp ứng được tiêu chí này của các bên. Trong tương lai, để hòa giải thương mại đến gần hơn với doanh nghiệp, các luật sư, luật gia có thể sẽ cần tìm hiểu nhiều thông tin về hòa giải thương mại với vai trò là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án. Việt Nam đang học hỏi kinh nghiệm từ những quy định của Công ước Singapore về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải và đang trên con đường chuẩn bị những cơ sở pháp lý để gia nhập Công ước trong tương lai. Chính vì vậy, việc nghiên cứu để nâng Nghị định về hòa giải thương mại thành Luật hòa giải thương mại được các chuyên gia nhận định là một vấn đề cấp thiết nhằm tạo cho cộng đồng doanh nghiệp có niềm tin vững chắc hơn về phương thức hòa giải thương mại.
Cuối phiên thảo luận, các diễn giả đã cùng chia sẻ và giải đáp những thắc mắc của người tham gia. Qua đó, người tham gia đã có cơ hội trao đổi trực tiếp với các diễn giả góp phần làm rõ nội dung buổi thảo luận, đồng thời có thêm những kiến thức, kỹ năng thực tiễn để hiểu rõ hơn về phương thức hòa giải trong các tranh chấp thương mại.
>>> Xem lại các sự kiện tại Tuần lễ Trọng tài & Hòa giải Việt Nam 2023 tại đây.